Lưu trữ

Archive for the ‘Bộ môn tổ tôm’ Category

TỔ TÔM HỌC ĐẠI CƯƠNG


Làm trai biết đánh Tổ Tôm
Uống chè mạn hảo xem nôm Thuý Kiều

I-NHẬP MÔN.

Tổ tôm là 1 loại bài lá có từ rất lâu đời và thường được giới trung lưu, thượng lưu trong thời phong kiến rất ưa chuộng và đề cao. Tỷ dụ học tự làm vè kể như:

Làm trai biết đánh tổ tôm

Uống trà mạn hảo, xem Nôm Thúy Kiều

Trong khi chơi tổ tôm, những người có học, hay chữ còn thả thơ, lẩy Kiều…khi đánh 1 quân bài. Tỷ như khi đánh quân Ngũ sách(có vẽ hình 1 chiếc thuyền buồm )thì đọc

Thuyền tình vừa ghé tới nơi

Thì đà trâm gẫy, bình rơi mất rồi

Hay khi đánh quân bài Nhị vạn(có vẽ hình 1 cành đào) thì đọc:

Dấn thân đến bước lạc loài

Nhị đào thà bẻ cho người tình chung

………

Người chơi còn tâm đắc kể cho nhau nghe giai thoại về Cao Bá Quát đánh tổ tôm với vua như sau:

Chuyện kể rằng vì mến tài văn chương của Thánh Quát nên vua Tự Đức hay cho gọi Quát vào cung hầu tổ tôm, nói chuyện văn thơ. Một bữa, khi quân chi chi vừa dậy; vua vỗ đùi hô to: “-Chi nẩy!”. Các quan trong hội tổ tôm đều kinh hãi nhận ra vua hô nhầm. (Theo luật tổ tôm: -Ù chi nẩy chỉ xảy ra khi duy nhất bài chỉ chờ đúng 1 tiếng chi chi thôi. Nhưng lần này, bài của vua còn chờ cả tiếng Ngũ sách nữa. Đúng ra, vua chỉ được hô : -“Có lèo” thôi). Mọi người biết vậy nhưng không ai dám bắt lỗivua. Duy chỉ có Cao Bá Quát vốn tính khảng khái quyết chỉ ra lỗi bắt vua phải: “Chèo đò” là lỗi ù nhỏ hô to(Một lỗi nặng trong luật tổ tôm là bị xóa hết điểm đã được từ đầu hội và cả ván ù tiếp theo nữa mới được trả đò.Ví như lỗi thẻ đỏ trong bóng đá). Tất nhiên, trước sự bình đẳng trong bài bạc,vua phải chấp hành nhưng trong bụng không vui.

Ít lâu sau, Quát làm chủ khảo bị phạm trường quy tại Quy Nhơn: đã để cho 1 thí sinh giỏi nhưng bài bị phạm húy được ưu ái chấm đỗ. Lỗi ấy lẽ ra chỉ bị tội đồ(nọc ra đánh rồi đày đi biệt xứ). Nhưng Cao Bá Quát bị tống ngục rồi xử trảm. Ngồi trong ngục, quát dò lại nguyên nhân  chính dẫn đến mình bị tăng án quá nặng là bài  tổ tôm ngày  nào hầu vua và ghi lại như sau:

Vạn tam đáo cửu, song lục thất

Sách bát hoàn tam ngũ chí không

Văn tam tứ tứ dư lục thất

Độc cụ vô thang, khởi binh đao

Trừ 3 từ cuối là  nguyên nhân vua chém chết mình còn cả bài thơ là bài tổ tôm của vua hôm  đó:

Hàng vạn có từ tam vạn đến cửu vạn, trong đó có 2 quân lục vạn và thất  vạn

Hàng sách có từ bát sách đến tam sách nhưng không có ngũ sách,

Hàng văn có tam văn, 2 quân tứ văn và thừa ra lục thất văn

Hàng yêu có 1 quân ông cụ, không có thang thang

II-Giới thiệu quân bài tổ tôm

Một cỗ quân bài tổ tôm gồm có 120 quân bài. Nhưng thực ra chỉ gồm 30 loại vì mỗi loại có 4 quân bài giống nhau.  Các quân bài được ghi tên bằng chữ Hán, viết cách điệu theo lối thảo(Cách viết thêm râu, thêm nét trông như rễ búi cỏ). Tên 1 quân bài được cấu thành bởi 2 chữ ghép lại: gồm hoa và số.

+Trước hết nói về hoa:gồm có 3 hoa là văn -vạn-sách

+Về số gồm 9 số từ nhất,nhị,tam….đến  cửu.

Hai thành tố trên ghép lại thành 27 loại quân bài từ nhất văn, nhị văn, tam văn…….đến bát sách, cửu sách.

-Ngoài ra còn có 3 loại quân bài đặc biết gọi là yêu: Đó là: Thang thang: có hình vẽ người đàn bà cho con bú – Ông cụ : có hình người già chống gậy – Chi chi:có hình người cầm 2 quả chùy.

III-Các khái niệm

1-Phu: là 1 bộ quân bài thường tập hợp từ 3 quân bài trở  lên được sắp xếp theo 3 quy tắc sau đây:

1.2-Phu dọc: gồm các quân bài cùng hoa nhưng có số liên tiếp.Ví dụ như:

+Nhất sách, nhị sách, tam sách….
+Tứ văn, ngũ văn, lục văn, thất văn…

+Ngũ vạn, lục vạn, thất vạn, bát vạn, cửu vạn..

1.2-Phu ngang(còn gọi là  phu bí): Gồm các quân bài cùng số  nhưng khác hoa.VD:

+Nhị văn, nhị vạn, nhị sách

+Tứ văn, tứ vạn, tứ vạn, tứ sách..

+Lục văn, lục vạn, lục  sách, lục sách…

1.3: Các quân yêu cũng là phu

2-Khàn: Gồm 3 quân bài cùng loại nhận được khi chia bài

3-Thiên khai: Gồm 4 quân bài cùng loại được khi chia bài

4-Lưng: là phu đặc biệt được quy định như sau:

4.1-Có đủ 3 hoa nhưng số hàng văn cao hơn so với số cuả hàng vạn, sách và tổng của hàng văn với một trong hai hàng kia bằng 10(hàng vạn và sách cùng số).

+Cửu văn, nhất vạn, nhất sách

+Bát văn, nhị vạn, nhị sách

+Thất văn tam vạn, tam sách(còn được gọi là tôm)

4.2- Nhất nhị tam văn

4.3-Cửu vạn, bát sách, chi chi(còn được gọi là lèo)

4.4-Cửu sách, thang thang, ông lão

4.5-Cửu sách, cửu vạn, thang thang

4.6-Khàn

4.7-Thiên khai

5.Cạ: Là 1 bộ thiếu 1 quân nữa mới thành phu(Quân thiếu ấy gọi là chờ).Tỷ dụ như:

-Nhất sách, tam sách(chờ nhị sách)

-Tứ vạn, lục vạn, thất vạn(chờ ngũ vạn)

-Cửu sách, thang thang(chờ cửu vạn, hoặc chờ ông cụ)

-Ngũ văn, lục văn, bát văn, cửu văn(chờ thất văn-Trường hợp chờ thành phu dọc 5 quân tương tự như thế này gọi là chờ xuyên 5 gian)

-Thất sách, thất sách(trường hợp chờ phỗng tương tự như thế này hoặc chờ 1 quân bài cuối cùng gọi là bạch thủ)

6.Bài chờ: là bài có toàn bộ các quân đã vào phu gần hết chỉ còn 1 cạ cuối cùng để hoàn thành và có đủ 3 lưng

7.Bài thành: là bài có toàn bộ các quân bài đã vào phu và có đủ 3 lưng chỉ còm chờ quân sắp ra nằm trong các phu(gọi là chạm thành)

8.Bài ù: là bài hội của 2 điều kiện cần và đủ sau đây:

8.1-Điều kiện cần: Toàn bộ các quân bài đã vào phu và cso từ 3 lưng trở lên

8.2-Điều kiện đủ: Quân bài vừa lên thì bài thành hoặc chạm thành như đã nói ở mục 6.7

9.Tôm: Như đã nói ở tiết 4.1

10.Lèo: Như đã nói ở tiết 4.3

11.Thông: là ván ù liên tiếp từ lần thứ 2 trở đi

12.Thập điều(còn gọi là thập hồng): Bài ù chỉ có 10 quân đỏ

13.Bạch định-Bài ù chỉ toàn quân đen

14.Kính cụ-Bài ù chỉ có quân ông cụ là đỏ còn lại là quân đen

15-Kính tứ cố-Bài ù chỉ có 4 quân ông cụ là đỏ còn lại là quân đen

16.Chi nẩy: Bài ù khi chi chi ở nọc mới lên. Thêm điều kiện bài chỉ chờ 1 tiếng như đã nói ở mục Nhập môn

IV-CÁC QUY TẮC KHI CHƠI BÀI

1.Số người chơi

Một hội tổ tôm nhất thiết phải có 5 người chơi. Nếu thiếu sẽ không thành.Trường hợp bất đắc dĩ chỉ có 4 người chơi thì chỉ chơi tạm(gọi là bí tứ).Khi đó phải bỏ 1 phần bài sẽ mất hay.

2.Chia bài

Vào hội,mọi người tôn trọng người cao tuổi nhất trong hội được mời rút 2 quân bài để tính tổng rồi chia đồng dư 10 nhằm chọn người chia bài(Tỷ dụ cụ rút được quân thất vạn và quân ngũ văn thì có tổng 12 chia 10 dư 2; sẽ đếm từ tay phải cụ (vì chơi tổ tôm theo thứ tự vòng tròn đến người thứ 2 sẽ được chia bài)

Bài được chia thành 6 phần theo vòng tròn và được úp sấp. Chia xong, người chia bốc 1 phần bất kỳ, rút ra 2 quân để tính phần bài cho mỗi người theo thứ tự. Sau đó phần bài đó được úp lên đĩa nọc.

3.Xếp bài trên tay

Tùy cách xếp cho tiện việc đánh và theo dõi(thường xếp theo hình nan quạt. Quân yêu được xếp thụt xuống tâm, 2 quân giống nhau chồng và rút cao hơn cho dễ nhìn để “phỗng”. Các quân đã và sắp thành phu xếp cạnh nhau)nhưng nhất thiết phải tuân theo quy tắc sau:

3.1-Khàn phải úp sấp xuống chiếu cho đến khi có quân thứ 4 ra mới dậy khàn.Trường hợp tính thấy lợi khi khàn kéo theo được 2 phu thì được để trên tay, nhưng phải hô:”Có 1 khàn bất thực”và xin cho 1 chiếc chén úp sấp trước mặt để đánh dấu. Nếu có quân trong khàn ra phải hô: “Dậy khàn”và lật ngửa chén.Khi ù phải hô: “Bất thực 3 con(quân gì) ăn cả(nếu đã đánh đi thì hô:”Ăn 2 đánh 1 “trả chén làng!”. Nếu không sẽ bị phạt lỗi thiếu quân “Khê khàn”.

3.2-Thiên khai: Phải úp sấp xuống chiếu nhưng khi thấy có người bắt đầu đánh quân bài đầu tiên sẽ hô “Thiên khai 4 quân(gì đó)đồng thời lật ngửa quân bài dưới chiếu lên

3.3-Khi ăn quân có cùng loại thì phải hạ quân bài trên tay xuống chiếu kẻo phạm lỗi: “Treo tranh trái vỉ”

4.Xếp bàidưới chiếu

-Khi mới bắt đầu chơi, phần chiếu trước mặt gồm có các khàn, thiên khai(nếu có như đã nói ở trên). Có thể úp các quân yêu xuống nếu thấy nhớ được.

-Khi ăn quân phải hạ các quân trên tay xuống theo phu.Trường hợp có quân trùng với quân được ăn phải xếp lên trên hoặc xuống dưới cùng kẻo phạm lỗi”Kẹp cổ”

5.Đánh bài

-Trước khi đánh bài ,việc đầu tiên phải làm đó là: “-Tiền điểm binh,hậu điểm bối” có nghĩa là đếm số quân bài xem  có đủ 20 quân không(kẻo khi ù thừa hoặc thiếu quân sẽ bị phạt rất nặng) rồi mới đánh.

-Khi sắp ù phải xem có quân nào dư (bất thành phu)không ? Đã có đủ 3 lưng chưa? để tránh lỗi chèo đò

-Đánh quân bài nào thấy có lợi(quân bài dư hoặc tính người dưới cửa không ăn được hoặc người khác không ù được….)cho người liền kề bên tay phải.

-Khi quân bài của người bên trái đánh cho nếu không ăn được thì hô: “-Xin 1 quân” để người phụ trách nọc rút cho quân khác. Nếu ăn được quân mới có quyền đánh còn không thì sẽ mất lượt.

6.Trường hợp ưu tiên(cướp cái)

6.1-Phỗng: Khi thấy quân bài trùng với 2 quân bài trên tay phải hô: “Phỗng” và được ăn không theo cửa. Nếu  trùng với khàn bất thực, phải hô: “-Phỗng tái kiến,trả chén làng” đồng thời hạ quân trên tay, ăn quân và lật ngửa chén.

6.2-Dậy khàn: Khi thấy quân bài thứ tư trùng với 3 quân bài đang úp khàn của mình phải hô: “Dậy khàn” đồng thời lật ngửa các quân bài úp khàn dưới chiếu lên kẻo mắc lỗi khê khàn

6.3-Ù: Khi thấy quân bài vừa ra bất cứ là do người khác đánh hay là bốc dưới nọc lên ở cửa nào mà thỏa mãn điều kiện ở tiểu mục 8 thì phải hô: “Ù” và hạ bài

7.Quy tắc hô ù

7.1-Chỉ được hô “Ù” khi các quân bài đều hạ hết xuống chiếu và đồng thời các quân khàn úp dưới chiếu đã được ngửa lật lên hết(tránh bị lỗi thiếu quân). Khi bài ở tình trạng 6.3.thì chỉ được hô “-Xin làng cho xem quân….hoặc “Nhờ”

7.2-Bài ù kèm theo cước sắc cũng hô kèm

+Thông: ù 2 ván liên tiếp

+Có tôm, có lèo

+Bạch thủ(quân gì); xuyên 5 gian; thập hồng; bạch định…

+Kính cụ và tính tứ cố thì vừa hô vừa đưa 2 tay quân ộng cụ ra giữa chiếu cho cả hội xem

+Chi nẩy vừa hô vừa vỗ đùi

V-NHỮNG ĐIỀU KIÊNG KỴ

Phong tục mỗi nơi có kiêng kỵ khác nhau, nhưng thấy ở 2 địa phương Phú Thọ và Tuyên Quang có mấy điều kiêng kỵ giống nhau sau đây

1.Hội tổ tôm trong đám cưới

Gia chủ sẽ rất vui khi đầu hội có ù “Thập điều” vì cho  là điềm may mắn cho đôi trẻ. Nhưng rất kiêng ù “Bạch định”, nếu bạn thấy bài như thế phải đánh xén phu đi để ăn quân đỏ hoặc bỏ ù

2.Hội tổ tôm trong đám tang

Kiêng ù “Kính tứ cố” và “Kính cụ”. Nếu gặp phảỉ xử lý  như kiêng ù “Bạch định”nói ở mục 1 trên đây

VI-KIỂM TRA VÁN BÀI

Tuân theo nguyên tắc “Tả hữu biên hành sự” Nghĩa là khi có người ù thì trách nhiệm kiểm tả và chia bài ván sau là của 2 người ngồi 2 bên người vừa ù.Nội dung kiểm tra theo các tiêu chí sau:

1-Kiểm số quân: Đếm lại  xem bài có thừa hoặc thiếu quân không(Đề phòng người chơi vô tình hay cố ý nhầm lẫn thừa hay thiếu bài. Nếu thiếu bị phạm lỗi “Chèo đò”

2.Điều kiện cần và đủ để ù

-Có quân bài nào bất thành phu không?

-Đủ số lưng theo quy định không?

3.Có bỏ ù không

-Soát lại các quân bài mới ra gần đây có đủ điều kiện để ù không(Nhất là trường hợp bài chạm thành)

4,Kiểm tả quy tắc hô:

+Hô đã đúng lúc chưa?(Khi hạ hết bài xuống chiếu, lật hết các quân khàn, lấy quân chạm thành về….)

+Hô đúng cách chưa? Đã trả chén bất thực, ăn mấy con? đánh mấy con trong khàn hoặc bất thực thiên khai?

+Hô đúng cước sắc không?(tránh ù nhỏ hô to)

VII-PHẠM LỖI

1.Chèo đò>là lỗi nặng nhất (Như thẻ đỏ) phải hủy bỏ toàn bộ điểm đã giành được từ đầu hội và ván đang ù. Ngoài ra ván ù tiếp theo cũng không được tính điểm(gọi là trả đò); không được tính là ván  ù thông. Hình phạt bổ sung còn vẽ thêm 1 hình con thuyền cạnh tên người phạm lỗi để cảnh cáo(chỉ đến khi trả được đò mới xóa).Các vi phạm sau đây sẽ bị phạt lỗi “Chèo đò”

-Thừa thiếu quân như đã nói ở tiết 1,6

-Bất thành phu, thiếu lưng

-Ù nhỏ, hô to

2-Đeo kính: là lỗi kỹ thuật nhỏ, không được tính điểm ván thắng hiện tại và không được hô thông ở ván ù tiếp theo. Bị vẽ hình 1 cái kính bên cạnh tên người phạm lỗi để nhắc nhở lần sau nhìn cho rõ. Lỗi này áp dụng cho các vi phạm sau:

-Treo tranh trái vỉ như đã nói ở tiết 3.3

-Kẹp cổ như đã nói ở mục 4

-Bỏ ù như đã nói ở tiết 6.3

VIII-TÍNH ĐIỂM VÁN THẮNG

Người có bài ù được coi là người thắng duy nhất trong ván bài và được tính điểm theo nhiều cách tùy mỗi nơi mỗi khác.Ví dụ như suông 2 dịch 1; suông 4 dịch 2….

Cách ghi điểm cũng có thể do thư ký cuộc chơi chép vào giấy hoặc có thể dùng đũa, hạt ngô, hạt lạc…..để nhớ điểm đều được. Thông thường quy định điểm thắng như sau:

8.1-Ù suông(hay còn gọi là ù thường) không có cước sắc gì: 2 điểm

8.2-Ù thông: có ván trước + 1

8.3-Có tôm + 1

8.4-Bạch thủ + 1

8.5-Xuyên 5 gian + 1

8.6-Có lèo + 2

8.7-Thập điều(Thập hồng) + 3

8.8-Kính cụ + 6

8.9-Bạch định + 8

9.10-Kính tứ cố: + 10

Điểm 1 hội theo quy tắc suông 2 dịch 1 có tổng điểm bằng 25

Nếu theo quy tắc suông 4 dịch 2 thì tổng điểm là 50

Khi thấy trong tổng đạt >24 hoặc 48 thì tuyên bố kết thúc hội.Kiểm số điểm trong hội, ai là người có số điểm cao nhất là người thắng.

Chuyên mục:Bộ môn tổ tôm